Chào Mừng Bạn Đến Với Website Chúng Tôi
CÔNG TY TNHH XNK CALI
Phone
Hỗ trợ khách hàng
0908 582 044
0938 939 044

CÁC BÊNH LÝ TRÊN LÚA VỤ HÈ THU

Sâu hại chính trên ruộng lúa

Một số loại sâu hại chính trên ruộng lúa vụ Hè - Thu và cách Phòng trị

 

1. Rầy nâu

Rầy nâu có tên khoa học là Nilaparvata lugens Stal, chúng xâm nhập vào ruộng lúa và gây hại ở mọi giai đoạn kể cả trên mạ. Cao điểm rầy phát sinh mật độ cao và gây hại nặng vào giai đoạn lúa làm đòng, trỗ xong, ngậm sữa và bắt đầu chín. Vòng đời của rầy nâu khoảng 26 - 30 ngày tùy vào mùa vụ, giai đoạn trứng kéo dài từ 6-7 ngày, ấu trùng từ 12-13 ngày qua 5 lần lột xác (5 tuổi) và rầy trưởng thành khoảng 10-12 ngày. Ấu trùng (rầy non) mới nở có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng xám rồi chuyển thành nâu lợt hay nâu đen, rầy tuổi 1, 2 thường được gọi là rầy cám. Khi trưởng thành rầy có màu nâu và có 2 dạng cánh, cánh dài phủ kín bụng và cánh ngắn khoảng 2/3 thân. Rầy cái đẻ trứng trong bẹ lá hoặc gân chính lá (nếu mật số rầy cao) thành từng ổ, mỗi ổ có khoảng 5-12 trứng xếp hình nải chuối. Một rầy cái trưởng thành có thể đẻ 150 - 250 trứng.

Rầy nâu phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu ấm nóng, ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ và thường gây hại nặng trên diện rộng. Đặc biệt, chúng gia tăng mật số nhanh và cao (bột phát) gây hại nặng cho cây lúa, khi trồng lúa liên tục trong năm, dùng giống nhiễm rầy, gieo cấy mật độ dày, bón dư thừa phân đạm, phun thuốc trừ sâu không đúng. Rầy sống gần gốc lúa, cách mặt nước khoảng 10 – 15 cm chích hút ngay thân lúa. Khi bị động rầy có thể nhảy lên các bộ phận khác của cây hoặc rơi xuống nước. Về đêm, rầy lên đọt lá để chích hút, chúng dùng vòi để chích hút nhựa cây khiến cây lúa bị khô héo (cháy rầy). Ngoài ra, rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen (rầy nâu nhỏ). Phân của rầy nâu chứa nhiều đường là môi trường cho các loại nấm phát triển, gây nên bệnh bồ hóng ở gốc lúa và làm cản trở quang hợp của lúa. Rầy có cánh thích hướng quang nên thường thích chui vào đèn. Do đó, ta có thể dùng đèn để dẫn dụ rầy, cũng như để theo dõi sự di trú của rầy phục vụ tốt cho việc phòng trị.

2. Nhện gié

Nhện gié (nhện rám bẹ, bệnh cạo gió), có tên khoa học là Steneotarsonemus spinki, vòng đời nhện gié rất ngắn, trung bình khoảng 10 - 12 ngày. Trong đó, giai đoạn trứng kéo dài khoảng 1-2 ngày, nhện non (ấu trùng) 4-5 ngày và nhện trưởng thành sống khoảng 5-6 ngày. Nhện cái có thể sinh sản bình thường mà không cần có nhện đực (sinh sản đơn tính), tuy nhiên hình thức sinh sản này thì trứng nở ra sẽ toàn là con đực. Trong khi, nhện sinh sản hữu tính (có sự kết hợp của nhện đực và nhện cái) có thụ tinh thì trứng nở ra con cái. Một nhện cái có thể đẻ 55 trứng trong suốt đời sống của nó. Nhiện sống tập trung ở trong bẹ lá lúa phần trên mặt nước, khi mật độ cao chúng bò lên bông lúa, chúng phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô. Ngoài ra, nhện có thể cư trú bên trong vỏ trấu của hạt lúa, vì vậy phương pháp kiểm tra hạt giống và trên cây trồng cũng là phương án kiểm soát nhện tốt.

Nhện gié gây hại cho lúa ở mọi giai đoạn từ khi gieo mạ đến trổ chín và trên mọi bộ phận của cây lúa như: bẹ lá, gân lá, gié lúa và hạt lúa…, bằng cách chích hút nhựa. Trên lá nhện gây hại để lại biểu hiện như có những sọc nâu bầm giống như cạo gió (còn gọi là bệnh cạo gió). Khi lúa có đòng, nhện phát triển mạnh hút nhựa đòng làm cạn kiệt dinh dưỡng nuôi bông, dẫn đến  bông lúa trổ ra không thoát khỏi cổ, biến dạng cong queo, trên bông có nhiều hạt lép, lững biến dạng hoặc cả bông lúa hoàn toàn bị lép (bông trổ thẳng đứng). Nếu bông lúa trổ thoát thì nhện vẫn tấn công hạt lúa ngay trong khi trỗ và sau khi trỗ, chúng thường tấn công theo chiều từ cuống bông đến đuôi bông lúa. Nhện gây hại trên bông làm hạt lúa co xoắn lại và biến màu vàng nhạt (hiện tượng lép vàng). Khi mật độ cao, nhện bò lên phía trên bông lúa hút nhựa và tiếp tục gây lép hạt. Ngoài ra, các vết thương cơ giới mà nhện gây ra trên bẹ, hạt lá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số loài nấm, vi khuẩn xâm nhập phát triển thành các bệnh hại như thối bẹ, lép đen hạt… Dù vậy, giai đoạn nhện gây hại phổ biến khi lúa được gieo từ 35 - 40 ngày trở về sau. Khả năng lây lan của nhện gié khá mạnh, có khả năng lây lan qua gió, qua dòng nước nhưng lại nhiễm mạnh nhất ở các ruộng lúa khô và thường xuyên bị hạn. Ký chủ chính của nhện gié là lúa nước, ngoài ra nhện gié cũng hoàn thành vòng đời trên một loài ký chủ phụ là lúa dại.

3. Sâu cuốn lá nhỏ

Sâu cuốn lá nhỏ có tên khoa học Cnaphalocrocis medinalin hiện là một trong những đối tượng gây hại quan trọng trên cây lúa ở nước ta và nhiều nước khác trong khu vực. Loài sâu này thường có khả năng tạo thành dịch lớn, gây thiệt hại nặng trên các đồng lúa, đặc biệt là các cánh đồng trồng lúa bón thừa phân đạm và làm nhiều vụ trong nhiều năm liên tục. Ngài có tính hướng ánh sáng, thường vũ hoá và đẻ trứng vào ban đêm. Chúng thích đẻ trứng ở các ruộng lúa hoặc mạ có màu xanh đậm, rậm rạp và thích tập trung nhiều ở những ruộng gần bờ mương, gần nhà ở, gần vườn hoặc đường đi có bóng mát. Mỗi con cái có thể đẻ trên 50 trứng, rải rác trên lá lúa. Sâu phát triển qua 5 giai đoạn còn gọi qua 5 tuổi, kéo dài khoảng 18-24 ngày. Tuổi 1 sâu dài khoảng 1,5 - 2,0 mm và có màu xanh lá mạ non; Sâu tuổi 5 dài trên 15mm và có màu vàng nhạt. Sâu non mới nở rất linh hoạt, tuổi nhỏ thường tạo bao lá ở đầu ngọn hay chui vào các tổ cũ, hoặc xếp 2-5 lá ép vào nhau làm tổ. Mỗi sâu non có thể phá 5-9 lá. Sâu gây hại cả thời kỳ mạ và lúa, nhưng phá hoại mạnh nhất là thời kỳ lúa đẻ nhánh đến trổ bông. Sâu non ăn diệp lục làm lá bị quăn queo và bạc trắng. Nếu sâu gây hại nặng vào giai đoạn lúa có đòng to - Trổ bông, thì tỷ lệ thiệt hại có thể lên tới 30 - 70% năng suất lúa.

Thông thường trong mỗi vụ lúa sâu cuốn lá thường bộc phát thành hai đợt chính: Đợt một thường vào lúc lúa đẻ nhánh rộ. Đợt này tỷ lệ lá trong ruộng lúa bị hại có thể cao, nhưng mức ảnh hưởng tới thiệt hại về năng suất của cây lúa khi thu hoạch có tđể bù đắp những gì đã mất (nếu ruộng lúa được chăm sóc đúng kỹ thuật). Tuy nhiên, khi ruộng lúa đã có trên 20 bao lá có sâu non còn sống nằm bên trong (trong tổng số 100 lá lấy mẫu để kiểm tra) thì chúng ta cần phải phun thuốc trừ sâu để bảo vệ lúa. Đợt sâu thứ hai bộc phát thường trùng vào lúc cây lúa làm đòng, trổ bông. Giai đoạn này sâu tấn công trực tiếp vào lá đòng, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Nếu kiểm tra ngẫu nhiên 100 lá nằm rải rác trên ruộng mà thấy có 5 lá bị cuốn có sâu còn sống nằm bên trong thì phải xịt thuốc để diệt trừ. Thực tế đồng ruộng cho thấy, những ruộng lúa tốt lốp, có màu lá xanh đậm do bón quá nhiều đạm, những ruộng gieo sạ quá dày khiến ruộng lúa rậm rạp, những ruộng gieo sạ muộn so với những ruộng xung quanh, những ruộng trước đó đã phun xịt nhiều thuốc hoá học có phổ tác động rộng để diệt trừ những loại sâu ăn lá ở đầu vụ như như bù lạch, sâu phao, sâu keo… thường là những ruộng bị sâu gây hại nhiều hơn những ruộng khác.

Biện pháp phòng trị:

* Biện pháp canh tác

- Sau khi thu hoạch lúa, nên rải rơm đốt đồng trước khi làm đất đối với ruộng ở vụ vừa rồi đã bị dịch hại ( rầy,  nhện…) hay vùng thường xuyên xuất hiện dịch hại.

- Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc diệt sạch cỏ bờ, lúa chét…

- Nên sử dụng giống kháng, cấp giống và mật độ sạ cần theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương.

- Xử lý hạt giống bằng những loại thuốc thích hợp trước khi gieo sạ như Cruiser plus… với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Nên sạ lúa theo hàng hoặc sạ thưa với mật độ vừa phải (10 – 15kg/1.000m2) cùng với chế độ bón phân cân đối giữa đạm-lân-kali (không bón thừa đạm).

- Hạn chế tối đa phun thuốc đầu vụ, bảo vệ thiên địch trong ruộng lúa, một số loại nhện và ong nội ký sinh có khả năng kiềm chế mật số các loài gây hại (nhện gié, rầy, sâu cuốn lá…).

- Cung cấp đủ nước cho ruộng lúa vì nhiều loại dịch hại thích hợp ở điều kiện ruộng khô.

- Thăm đồng thường xuyên phát hiện sâu hại sớm để phòng trị kịp thời

- Luân canh cây trồng, có thể trồng cây trồng cạn để cắt đứt vòng đời của côn trùng gây hại hạn chế sự phát triển thành dịch.

Phòng trị bằng biện pháp hóa học

Nên sử dụng biện pháp hóa học là giải pháp sau cùng đối với các giải pháp phòng trị sâu hại trên ruộng lúa

Đối với sâu cuốn lá nhỏ

Hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ đã có biểu hiện kháng với nhiều loại thuốc trừ sâu đang có trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật. Để hiệu quả trừ sâu cao nên “điều chỉnh” nồng độ so với khuyến cáo của nhà sản xuất, một số hoạt chất sau có thể phòng trị tốt đối với loại sâu này.

Nhóm hoạt chất Fipronil: Regent 800WG, Rigell 800WG, Tango 800WG…

Nhóm hoạt chất Cartap: Padan 95SP, Patox 95SP, Gànòi 95SP…

Hai nhóm hoạt chất trên trừ được cả trứng sâu nên có tác dụng bằng 2-3 lần phun các loại thuốc khác.

Nhóm hoạt chất sinh học Abamectin: Actamec 20EC, Shepatin 36EC, Silsau 3,6EC… Nên phun thuốc 2 lần, phun lần 2 cách lần 1 khoảng 3-5ngày. Khi phun thuốc nên cho thêm gói bám dính vào thuốc trừ sâu, để thuốc bám vào thân, lá lúa, trứng sâu và cơ thể sâu non nhiều hơn, tăng 20% hiệu quả phòng trừ. Dùng bình bơm có “béc” tia nhỏ để phun trừ sâu, không dùng ống phụt các loại có giọt to ít bám vào sâu, lúa, hiệu quả trừ sâu kém.

Đối với nhện gié

Nhện xuất hiện nhiều ở giai đoạn bắt đầu làm đòng đến trổ, vì vậy cần phát hiện sớm, phun thuốc trừ ngay từ thế hệ đầu tiên mới có hiệu quả cao. Có thể sử dụng một số thuốc đặc trị nhện như: Nissorun, Kinalux, Kumulus, Comite, Danitol-S 50EC, Indosuper 150SC (sử dụng theo liều khuyến cáo).

 - Trước khi phun thuốc cần vô nước cho mực nước ruộng cao để đẩy nhện gié di chuyển lên phía trên thân lúa dễ dính thuốc. Do nhện gié sống trong bẹ lá lúa nên cần phun lượng nước cao mới có thể tiêu diệt được chúng (3-4 bình 16 lít/1.000 m2).

Đối với rầy nâu:

Có thể dùng các loại thuốc: Bassa 50EC, Chess 50WG, Regent 800WP, Actara, Alkali 247SC,  ARMADA 50EC, Anproud 70DF, DIFLUENT 10 WP, Jetan 50EC, Marshal 200 SC, Mipcin 20WP, Trebon 20ND… phun tập trung vào gốc lúa, hoặc  sử dụng chế phẩm sinh học Ometar 2kg/1ha

Lưu ý: Trước khi phun thuốc cần vô nước cho mực nước ruộng cao để đẩy côn trùng gây hại lên phía trên thân lúa dễ dính thuốc.

Khi phun thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Dùng bình bơm có “béc” tia nhỏ để phun trừ sâu, không dùng ống phụt các loại có giọt to ít bám vào sâu, lúa, hiệu quả trừ sâu kém.

Đăng ký nhận báo giá

Copyright © 2021 - CÔNG TY TNHH XUẤT NHẬP KHẨU CALI - All rights reserved. Design by i-web.vn